[Review] Tình yêu và tham vọng cùng đôi lời về phim Việt

Lâu lâu mới có một phim Việt đáng để review nha.

Phải nói là từ thời của Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê rồi Về nhà đi con…, phim Việt đã có một sự tiến bộ không hề nhỏ. Khán giả tỏ ra quan tâm hơn, háo hứng bình luận, chờ đợi để xem phim, bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội. Mặc dù sạn vẫn nhiều và tổng thể phim luôn có cái gì đó chưa trọn vẹn, thì mình cứ tạm công nhận cho sự phát triển này đi đã. Và phim Việt mình bàn đến hôm nay là dòng phim chiếu giờ vàng của VFC sản xuất nha.

Kịch bản

Kịch bản được cho là điểm yếu lớn nhất của phim Việt. Cái này mình cũng công nhận luôn. Đội ngũ sản xuất phim Việt nói chung luôn mang một thứ màu sắc gì đó của bảo thủ, của lối mòn, của e ngại những vấn đề nhạy cảm, từ đó tất cả những gì họ có thể làm và dám làm là xoay quanh vài đề tài như tình cảm gia đình, nông thôn đổi mới, đồng bào vùng cao, công sở thành thị, yêu đương tuổi mới lớn. Có thể thấy khán giả Việt khao khát cái mới đến mức nào, bằng chứng là sự đón nhận tích cực những đề tài lạ như Người phán xử hay Quỳnh búp bê.

Nhưng yếu tố đề tài chỉ là một phần rất nhỏ. Ta hoàn toàn có thể xây dựng một kịch bản tốt dựa trên những đề tài cũ kĩ kia, vấn đề của kịch bản lần này là cốt truyện và tuyến nhân vật. Các biên kịch có vẻ khá non tay để tạo ra một câu chuyện trọn vẹn, tuyến nhân vật có tính cách rõ ràng từ đầu tới cuối. Cách tạo nút thắt, đẩy cao trào và gỡ nút thắt dường như không hợp lí và sơ sài, thành ra phim bị đánh giá là nhạt, là ngớ ngẩn, là vô lí. Mả miếng thường dùng để thu hút khán giả như hài, lãng mạn, hành động cũng không được làm tới nơi tới chốn. Diễn hài mà không thấy hài, lãng mạn thì lố, hành động thì chưa tới làm giảm độ hay của phim đi đáng kể. Mình có thể ví dụ mấy phim như Ghét thì yêu thôi, Chạy trốn thanh xuân, Nàng dâu order hay Đừng bắt em phải quên đang chiếu dở. Theo cá nhân mình thấy phim có đề tài cũ nhưng câu chuyện được xây dựng khá tốt, tuy nhiên thực tế từng tình tiết lại không hoàn hảo vì những lỗi kể trên, làm phí một câu chuyện có vẻ sẽ hấp dẫn nếu rơi vào tay những biên kịch nước ngoài.

Ngoài mô tuýp nhàm chán, mạch truyện không ổn áp thì bản thân từng câu thoại ở phim Việt cũng có vấn đề. Chúng vẫn luôn bị gọi là kịch, vì ngoài đời chả ai nói mấy câu như trong phim. Đương nhiên lỗi còn do diễn viên nữa nhưng mình sẽ đề cập sau. Đại khái thì những câu thoại mang tính sách vở như vậy sẽ làm phim xa rời khán giả, khiến họ khó đồng cảm và hòa mình vào phim. Ví dụ đơn giản, trong phim dùng một câu thoại gây cười, chưa biết diễn viên có thể hiện được tính hài hay không, nhưng bản chất câu thoại đó đã lỗi mốt thì khán giả sẽ không thể nào mà cảm nổi. Hay như một câu tỏ tình chẳng hạn, đành rằng xây dựng nhân vật rất ngầu lòi, rất đẹp trai, rất si tình rồi chốt cho quả thoại sến súa ngoài đời méo ai dùng thì làm sao mà mê. Những câu thoại về lẽ đời, về chiêm nghiệm cuộc sống cũng đi theo đường hướng giáo điều, văn vở thì rất khó động lòng người xem. Có thể thấy, nhân vật Dương xoăn trong Về nhà đi con được yêu thích vì sao, vì những câu thoại của nhân vật này rất đời, hợp trend, ngắn gọn súc tích. Đó là mấu chốt mà các biên kịch cần tập trung. Rõ ràng Dương xoăn của Về nhà đi con hay hơn Dương xoăn của Những ngày không quên vì những câu thoại trong VNĐC đắt giá hơn, và người làm điều này chính là biên kịch chứ không phải bản thân diễn viên Bảo Hân.

Vậy cách giải quyết cho khâu kịch bản là gì? Đội ngũ sản xuất chọn một con đường rất chi là dễ dàng mà hiệu quả, đó là remake từ các kịch bản phim nước ngoài, những kịch bản không mấy nổi tiếng cho an toàn. Chúng sẽ giải quyết được yếu tố đề tài và cốt truyện, tạo ra những bộ phim độc, lạ, diễn biến hấp dẫn, hợp lí, chân dung các nhân vật được xây dựng gọn gẽ, chỉn chu. Và từ đó, chỉ cần viết ra sấp lời thoại chất chơi nữa là thành công rực rỡ. Có thể thấy đa số các bộ phim thành công của VFC có kịch bản remake: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán…, mới đây nhất là Tình yêu và tham vọng. Tuy nhiên, không phải phim remake nào cũng thành công, phải kể ngay đến bộ Mối tình đầu của tôi hay Ngày ấy mình đã yêu, remake đó mà quá chán đi. Lỗi do đâu? Ngoài lời thoại ra thì còn rất nhiều yếu tố tác động khác.

Diễn viên

Phải mở mồm khen ngay là diễn viên nhà mình càng ngày càng đẹp, đẹp trai thì kiểu thư sinh có, kiểu quý ông lịch lãm có, kiểu bụi bặm có, kiểu đáng yêu có, kiểu nghịch ngợm có. Đẹp gái thì đẹp kiểu quý phái có, dịu dàng có, cá tính có, mạnh mẽ có, thông minh có, túm lại phong cách gì cũng có luôn. Tự hào ở chỗ nét đẹp của diễn viên mình không bị chỉnh sửa quá đà, mang đậm nét đẹp của Việt Nam hẳn hoi luôn. Nói gì thì nói chứ người Việt vẫn muốn ngắm người Việt, vẫn thích nét đẹp của Việt Nam hơn Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu Mỹ chứ đúng không.

Tuy vậy thì khả năng diễn xuất của họ từ xưa tới nay cũng chưa bao giờ được đánh giá cao. Những vai diễn tốt thường từ các NSND, NSƯT có thâm niên kinh nghiệm, mà các vai diễn của họ cũng đóng khung một vài kiểu: ông bố tần tảo hi sinh, bà mẹ ghẻ chua ngoa đanh đá, vị chủ tịch thét ra lửa, bà hàng xóm lắm mồm buôn chuyện… Những vai diễn này mình cho là rất dễ diễn, lại được thể hiện bởi những diễn viên gạo cội thì sẽ không gặp vấn đề gì. Đó cũng là lí do để ta thấy, điểm yếu của diễn viên Việt là những vai diễn nội tâm, cần chiều sâu, cần sự thể hiện tính cách qua hình thể chứ không chỉ qua thoại. Mà chúng thường được đảm nhận bởi các diễn viên trẻ, thành ra họ có xu hướng bị gồng, bị làm lố, làm quá khi diễn. Mình lấy luôn vai Tuệ Lâm trong Tình yêu và tham vọng, rõ ràng về mặt hình ảnh là rất chuẩn, rất sang chảnh, ra dáng tiểu thư phó chủ tịch tập đoàn, nhưng cách diễn của Lã Thanh Huyền lại bị căng cứng, cố làm cho ra nét quyền lực thành thử bị nhận xét là kịch.

Vai Tuệ Lâm của Lã Thanh Huyền

Giọng nói và cách đọc thoại cũng là một điểm yếu to đùng. Dù đồng ý là mấy câu thoại kiểu sách vở như mình vừa phân tích ở trên rất khó đọc cho tự nhiên và truyền cảm, thì bản thân các diễn viên cũng chưa làm tốt ở mảng này. Mình cho là ngoài thiếu kĩ năng, các diễn viên còn thiếu cả cảm xúc với nhân vật của mình. Họ không hiểu sâu sắc được tính cách nhân vật, không hóa thân cho tròn trịa được. Họ thoại không có điểm nhấn, hoặc nhấn sai chỗ, hoặc nhấn lố luôn. Ví dụ trong phim Đừng bắt em phải quên, diễn viên Quỳnh Kool đẹp thì có đẹp mà giọng nói của bạn ý mình cảm giác hơi bị chóe và có phần hụt hơi, thành thử khi thoại nghe khá gượng. Nói chung thì, đẹp trai xinh gái đến đâu mà mở mồm ra thấy không lọt tai thì cảm xúc của khán giả chắc chắc cũng tụt hố luôn.

Quỳnh Kool trong Đừng bắt em phải quên

Kỹ thuật

Đây lại là vấn đề của tiền rồi các bác ạ. Rất khó để Việt Nam mình có được các kỹ xảo đẹp và thật như nước ngoài. Thành thử bên cạnh yếu tố kịch bản thì kỹ thuật cũng làm hạn chế đề tài phim của ta. Ví dụ nói chuyện phục trang bối cảnh, các phim hiện đại thì có thể xin tài trợ từ các nhãn hàng, mượn biệt thự này resort kia cũng sẵn rồi. Nhưng phim cổ trang thì sao, đoàn phim sẽ phải tốn một khoản lớn cho trang phục, phụ kiện, gươm, đao, cung điện… mà làm sơ sài thì xem bực mình, làm tử tế thì không có vốn. Vậy nên từ hồi nào tới giờ, Việt Nam mình được mấy phim cổ trang đâu. Mặc dù phải công bằng mà nói, dòng phim cổ trang vô tình phù hợp với cái kiểu thoại sách vở mà biên kịch và diễn viên mình hay mắc nha.

Phim cổ trang Việt còn sơ sài

Ngoài hạn chế đề tài phim thì kỹ thuật kém cũng làm hạn chế trải nghiệm xem phim. Ví dụ như cảnh anh soái ca chủ tịch Hoàng Thổ trong Tình yêu và tham vọng bước ra từ phòng thay đồ với bộ suit lịch lãm, nếu là phim Hàn, họ chắc chắn sẽ dành hẳn 30s chỉ để quay từ đầu tới chân, focus vào ánh mắt ấy, bờ môi ấy, thêm tí hiệu ứng lấp la lấp lánh. Bạn thử nghía qua The King của Lee Min Ho so sánh xem có phải mình nói đúng không nha. Mục đích là gì, ngoài mô tả nhân vật ra thì còn để khán giả ngắm nữa các bác ạ. Đùa chứ diễn viên mình cũng đẹp lồng lộn mà, còn là kiểu đẹp phong trần chứ không ủy mị như mấy ông trai Hàn đâu, ấy vậy mà bác đạo diễn chả biết tận dụng gì hết. Hoặc có thể là làm chưa tới nên thôi không làm còn hơn. Mình có xem mấy cảnh quay slo-mo kiểu ý của phim Việt rồi, nói chung là hơi đuối hihi.

Nhan Phúc Vinh đẹp trai đấy chứ

Các cảnh hành động thì khỏi bàn, nếu có kĩ xảo tốt, máu me vết thương nhìn như thật, mấy cảnh đánh đấm quay cận sát, đánh phát nào là khán giả nhói phát đấy, thêm mấy quả đua xe tóe lửa thì phim Việt mình đã không phải loay hoay mấy đề tài tình cảm gia đình cũ mèm bao năm qua rồi. Và có khi mình còn làm được những dòng phim về xuyên không, về hack não, về trinh thám, siêu anh hùng này nọ, cơ mà nghĩ lại với thực lực của biên kịch hiện nay thì thôi trước mắt chúng ta cũng chưa dám mong chờ gì.

Các cảnh hành động của Việt Nam chưa đủ chân thực

Nhạc nền cũng là một vấn đề mình rất ức chế. Phim Việt khá làm dụng dùng nhạc nền để tác động nội dung, cảnh khóc auto cho nhạc buồn, cảnh hành động auto cho nhạc dồn dập, cảnh gây cười auto cho nhạc báo hồng, lắm cảnh có thứ nhạc chả ăn nhập gì luôn. Làm vậy dù kéo được khán giả theo nhịp phim, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi nếu lạm dụng vì có một sự vô duyên không hề nhẹ nếu dùng nhạc nền không tinh tế.

Chiến lược thu hút

Ngoài chất lượng bản thân bộ phim, nhà sản xuất bây giờ cũng rất biết râu ria để tăng hiệu ứng. Đầu tiên chính là phong cách kết phim dang dở. Để kéo khán giả ở lại theo dõi tiếp các tập sau, nhà sản xuất cần nhấn nhá những cú twist, những phân đoạn kịch tính hoặc siêu lãng mạn ở cảnh cuối. Cách làm này được thấy rõ ở phim Hàn, trong khi phim Việt những thập kỉ trước không hề có. Đủ thời lượng 40p hoặc 45p thì ta dừng phim thôi. Dù cho đây không phải một bước tiến gì lớn, nhưng việc nhà sản xuất phim Việt Nam học hỏi và chịu đổi mới như vậy chắc chắc là tốt cho bản thân phim và trải nghiệm của khán giả rồi.

Preview tập sau. Một lần nữa đây cũng là mô tuýp của phim Hàn, khi hé lộ trailer tập mới ở cuối phim sẽ tăng cảm xúc cho khán giả, khiến họ chờ đợi xem tiếp. Tuy cách làm có khác nhau, khi phim Việt thường trích đoạn 1 2 phân cảnh đắt giá để làm preview, thì phim Hàn chỉ lấy một chút sương sương kèm nhạc nền và credit, chứ không thừa thời gian chiếu nguyên credit như phim Việt mình. Dù là cách nào thì mình thấy đó cũng là một bước đi thông minh.

Làm tiền truyện, hậu truyện, ngoại truyện, mix and match… Có thể kể đến sự thành công của Về nhà đi con, ekip VFC làm hẳn ngoại truyện và remix nó với phim Cô gái nhà người ta để cho ra seri Những ngày không quên. Cơ mà mình cho đó là những sản phẩm ăn liền, làm nhanh làm ẩu, nên chất lượng chẳng thể so sánh được với bộ phim gốc. Cơ mà với tình cảm khán giả đã dành cho các nhân vật thì họ vẫn theo dõi thôi. Nhưng thiết nghĩ, dù muốn tranh thủ đến đâu thì các sản phẩm ăn theo cũng nên có một chất lượng ổn định để không thành tiền lệ xấu sau này.

Lải nhải quá nhiều rồi, giờ mình sẽ đến với phần chính của bài, review phim Tình yêu và tham vọng. Bài viết quá dài nên ta qua trang 2 để tiếp tục nha.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.